Theo Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, từ kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ xây dựng quy hoạch cán bộ lãnh đạo các cấp, đặc biệt là Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa 14.
Trưa 17/5, phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết sau 2,5 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, Hội nghị đã thành công tốt đẹp. Trung ương đánh giá cao sự chuẩn bị và nhất trí với các nội dung nêu trong Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư từ sau Đại hội 13 của Đảng đến nay.
Trung ương cho rằng, việc kiểm điểm của tập thể và cá nhân Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã được chuẩn bị "rất nghiêm túc, chu đáo, bài bản, cầu thị và có tính tự phê bình sâu sắc". Việc xem xét, cho ý kiến diễn ra "trong không khí thẳng thắn, chân tình, trách nhiệm cao".
Tổng bí thư yêu cầu từ kết quả, kinh nghiệm tổ chức lấy phiếu tín nhiệm của Ban Chấp hành Trung ương đối với các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư tại Hội nghị giữa nhiệm kỳ lần này, các cơ quan cần tập trung chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị. Đồng thời, cấp có thẩm quyền xây dựng quy hoạch cán bộ lãnh đạo các cấp, đặc biệt là Quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa 14 nhiệm kỳ 2026-2031; chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030, tiến tới Đại hội 14 của Đảng.
Việc tổng kết những vấn đề lý luận và thực tiễn qua 40 năm đổi mới cũng được Tổng bí thư yêu cầu thực hiện khẩn trương và nghiêm túc, tập trung vào 10 năm gần đây. "Thành lập các Tiểu ban chuẩn bị cho Đại hội 14 của Đảng để các Tiểu ban này, nhất là Tiểu ban Văn kiện và Tiểu ban Nhân sự, sớm đi vào hoạt động, đáp ứng tốt mục tiêu, yêu cầu đề ra", Tổng bí thư nói.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ, ngày 17/5/2023. Ảnh: Nhật Bắc
Cán bộ "có vào, có ra, có lên, có xuống"
Theo Tổng bí thư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư luôn bám sát các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo và mục tiêu, nhiệm vụ về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nêu trong Văn kiện Đại hội 13 của Đảng để cụ thể hóa thành các chương trình làm việc và lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng triển khai thực hiện.
Việc lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng chống tham nhũng tiêu cực bước đầu có kết quả, từng bước khắc phục tình trạng "trên nóng, dưới lạnh". Quy định về kiểm soát quyền lực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án được ban hành.
Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách về quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cũng được chú trọng đẩy mạnh để từng bước tiến tới: không dám, không thể, không muốn, không cần tham nhũng.
"Đến nay, có thể khẳng định, chưa bao giờ công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta lại được chỉ đạo một cách mạnh mẽ, bài bản, đồng bộ, quyết liệt, và có hiệu quả rõ rệt như thời gian gần đây; để lại dấu ấn nổi bật, tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội và củng cố, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ", Tổng bí thư nói.
Theo ông, xây dựng, chỉnh đốn Đảng tạo chuyển biến rất tích cực, với nhiều dấu ấn nổi bật trong việc kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn hơn giữa xây và chống. Cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa đã được ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm bất kể là ai, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.
Đại biểu dự bế mạc hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ. Ảnh: Nhật Bắc