Năm 2000, chúng tôi bắt đầu chiến dịch xuất khẩu phần mềm; thị trường nhắm đến không nơi nào khác, là Mỹ.
Tháng 1/2000, FPT thành lập chi nhánh tại San Jose, trái tim của "Thung lũng hoa vàng" (tên gọi Silicon Valley của người Việt). Giám đốc là một chuyên gia Việt kiều yêu nước.
Đời chẳng như mơ. Sau hơn một năm, FPT USA đóng cửa vì không kiếm được khách. Việt kiều được thay thế bằng MBA Mỹ xịn, lương khủng, nhưng cũng chẳng giúp được gì cho một công ty mà "lãnh đạo ảo tưởng về năng lực của mình", còn các lập trình viên thì "đã kém lập trình còn không biết tiếng Anh" như chính chuyên gia Mỹ xịn này nhận xét.
Tóm lại là yếu toàn diện. Chưa kể không ai quan tâm đến một công ty vô danh từ Việt Nam, một địa danh mơ hồ xa cách, vốn chỉ gắn với chiến tranh. Một khách hàng đã tỏ ra rất ngạc nhiên khi biết bay từ Bangkok đến Hà Nội mất chỉ một giờ đồng hồ, mặc dù ông này bay đi Bangkok xoành xoạch.
Bế tắc, chúng tôi tìm đến khẩu hiệu của cụ Hồ: hãy tuyên truyền cho nhân dân. Có điều nhân dân đây phải là "nhân dân" Mỹ. Khi họ đã muốn làm việc với Việt Nam, họ sẽ tìm thấy điểm mạnh của chúng tôi.
Những "nhân dân" đầu tiên đến từ một công ty bé xíu, ProDX ở thành phố Portland. CEO của họ, bà Eileen Boerger, và chồng là Walley, một lính thủy về hưu, coi nhân viên chúng tôi như con cháu, dù một nhân viên xuất sắc lúc đó của chúng tôi, thừa nhận: lúc đầu em nghĩ chỉ có em không hiểu họ nói gì, sau đó em phát hiện ra họ cũng không hiểu em nói gì. Eileen cho nhân viên FSoft ở nhờ trong nhà, để bà có thể trực tiếp hướng dẫn cách làm việc với bà. Tôi và hơn 100 anh em đã có dịp nghỉ ở nơi chúng tôi trìu mến gọi là "Boerger Hotel".
Đại diện "nhân dân Mỹ" thứ hai, là chuyên gia tài chính của Morgan Stanley, vốn chỉ quen làm các phi vụ tỷ đô xuyên biên giới. Xui khiến thế nào, ông này lại là sếp của sếp của vợ Bùi Hoàng Tùng. Tùng là người đã liều mạng đề xuất với tôi, cho anh dẫn hai cậu trai mới ra trường, tấn công lại thị trường Mỹ. "Vì cây dây cuốn", "dân" lại đứng ra thuê hộ nhà cho Tùng, rồi cho mượn văn phòng, treo nhờ biển tên, tiếp khách, không gì là không làm hộ.
"Dân" Mỹ thứ ba - Paul Vivek - nguyên lãnh đạo GE, được Wipro, công ty Ấn mời về để xây dựng công ty tỷ đô ở Ấn. Ông sang Việt Nam theo kế hoạch "vuốt ve" chủ tịch FPT nhằm mua được cổ phiếu rẻ trước IPO năm 2006. Xong việc Paul về Mỹ. Nhưng đối với chúng tôi, ông đã là "ông chú" tốt tính.
Khi tìm chỗ để thuê văn phòng, Tùng được khuyên cứ thuê đầu ngõ nhà Vivek, sáng gặp thì mời café, có việc gì khó cứ hỏi. Giám đốc trẻ thông minh sáng láng, lại biết lắng nghe, café bia rượu đều tốt nên "dân" đem lòng yêu mến. Rút kinh nghiệm mở văn phòng lần trước toàn bắn "chim sẻ" (khách hàng nhỏ lẻ), lần này, Tùng quyết tâm tìm khách lớn, cỡ Fortune 500. Vivek biết thế, bèn nghĩ cách dẫn Tùng đến "Đại hội quần hùng" trong ngành, lại còn nghĩ ra một cái giải để trao cho nổi bật. "Tao chỉ làm được vậy thôi, còn lại tùy sức chúng mày, toàn đại bàng đấy". Vivek nói thế. Một lời của ông giữa chốn quần hùng, là đã quá nhiều.
Lần khác, thấy anh em Việt Nam lo lắng, Vivek viết ra 5 điều rồi bảo cứ làm theo, ắt sẽ ổn: